Hội họa Nghệ thuật Đàng Ngoài thời Lê trung hưng

Thời kỳ này có nhiều tranh vẽ trên lụa, giấy bồi và trên ván. Tranh dân gian khá phát triển, nhất là tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trốngtranh Kim Hoàng mang nhiều sắc thái dân tộc.

Tranh lụa

Tranh chân dung Trịnh Đình Kiên (1715 - 1786), vẽ trên lụa, hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Vẽ tranh trên lụa là một kỹ thuật đã hiện diện từ nhiều thế kỷ trong nền hội họa Việt Nam. Có hai kỹ thuật vẽ tranh lụa:

  • Kỹ thuật cổ truyền thống được vẽ trực tiếp trên lụa khô.
  • Kỹ thuật hiện đại bắt đầu từ thập niên 1930, áp dụng nhuộm đi nhuộm lại màu lên mặt lụa.

Lụa vẽ thời Lê trung hưng thường là lụa tằm. Trước khi vẽ, lụa phải được căng trên khung và phết một lớp hồ loãng. Người vẽ rửa qua lớp hồ này để bột màu có thể ngấm vào thớ lụa. Màu dùng để vẽ lụa là phẩm hay mực nho.

Việt Nam hiện nay có một số tranh lụa cổ rất quý thời Lê trung hưng như chân dung Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Trịnh Đình Kiên, Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích...[10][11]

Tranh dân gian

Đám cưới chuột - một bức tranh Đông Hồ

Tranh Đông Hồ là mặt hàng bình dân nhưng chỉ tồn tại ở làng nghề duy nhất là làng Đông Hồ (nay là làng Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Các nhà nghiên cứu cho rằng các nghệ nhân Đông Hồ bắt đầu làm tranh từ thế kỷ 17[12]. Sản phẩm được làm ra từ quy trình kỹ xảo tinh tế và phối hợp chặt chẽ giữa các khâu: vẽ mẫu, khắc mẫu và in tranh. Nguyên liệu gồm có giấy dó và các màu trong tự nhiên. Dựa vào nội dung chủ đề, có thể chia tranh Đông Hồ thành bảy loại chính, gồm tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt, tiêu biểu là các tranh: đàn gà, lợn độc, đánh vật, đánh ghen, hứng dừa, vinh hoa, phú quý, rước trống, chăn trâu thổi sáo, gà đại cát…[13].

Tranh thờ Bạch Hổ thuộc dòng tranh Hàng Trống

Tranh Hàng Trống bắt đầu hình thành và phát triển tại các khu vực tương đương phố Hàng Trống, Hàng Nón, Hàng Bồ (Hà Nội) hiện nay từ thế kỷ 17[14]. Tranh Hàng Trống khác tranh Đông Hồ là in nét đen trước rồi tô màu phẩm lên sau. Do sử dụng được các màu phẩm nên phối màu của tranh Hàng Trống rất phong phú. Các bức tranh nổi tiếng là: lý ngư vọng nguyệt, ngũ hổ, tố nữ, tam tòa thánh mẫu, Phật, tứ phủ, Ngọc Hoàng,... Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh xem tranh Hàng Trống là sự giao thoa giữa văn hoá Phật giáoNho giáo[15]. Dù phát triển ở kẻ chợ và mang tính chất thị thành[16], tranh Hàng Trống còn bao gồm cả tranh thờ của các dân tộc miền núi phía Bắc - dòng tranh vốn có nhiều bức do những nghệ nhân Hàng Trống chế tác theo "đặt hàng" phục vụ các nghi lễ thờ cúng khá đa dạng của đồng bào dân tộc thiểu số[17].

Tranh Hàng Trống và tranh Đông Hồ thường phục vụ nhu cầu mua về treo trong dịp tết nên những dòng tranh này còn được gọi là tranh Tết. Nghệ nhân tranh Hàng Trống còn làm tranh treo tại chùa và đền thờ Đạo giáo.

Tranh Kim Hoàng (còn gọi là tranh đỏ vì tranh chỉ in trên giấy hồng điều hay vàng tàu) là tranh của làng Kim Hoàng (nay tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), được hình thành từ cuối thế kỷ 17[18]. Dòng tranh này khác với các dòng tranh khác ở chỗ có kết hợp giữa in, tô màu và vẽ, trong khi kỹ thuật làm tranh Đông Hồ là thuần in, tranh Hàng Trống là in và tô màu bằng phẩm. Vì vậy tranh Kim Hoàng có tính uyển chuyển về nét và phong phú về tạo chất của mảng. Nét vẽ của loại tranh này là nét vẽ hàng loạt theo kiểu hàng chợ, vì thế người nghệ nhân phải chọn lối vẽ nhanh, bút pháp linh hoạt kiểu quen tay như vẽ trên đồ gốm, sứ.

Tranh lợn độc, một trong số ít những bức tranh Kim Hoàng còn lại đến nay

Màu ở tranh Đông Hồ là màu nguyên không pha trộn, chỉ chồng lên nhau hoặc đặt cạnh nhau, có viền thêm các nét đen đậm, ít màu trung gian. Tranh Hàng Trống nét mảnh hơn, tinh hơn, uyển chuyển hơn, màu không in mà tô vào, tạo nên vẻ đẹp đậm nhạt theo ý muốn. Gam màu chủ yếu là màu lam - hồng, có thêm màu lục - đỏ - da cam - vàng[14].

Tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng góp phần tạo nên diện mạo tranh dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ. Trong ba dòng tranh, tranh Hàng Trống mang tính thị thành rõ rệt, còn tranh Đông Hồ và Kim Hoàng là tranh của làng quê. Tuy vậy giữa 2 dòng tranh làng quê rất khác nhau, tranh Đông Hồ là nét khắc chắc, khoẻ, bản in nhiều màu trên nền điệp, được in theo lối sấp bản (in như kiểu đóng dấu). Tranh Kim Hoàng chỉ in nét đen như tranh Hàng Trống, nhưng nét chắc khoẻ giống tranh Đông Hồ hơn, tranh được in theo lối ngửa bản in cộng với vẽ và tô màu[16].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nghệ thuật Đàng Ngoài thời Lê trung hưng http://svqy.org/2014/1-2014/frame/nhungbuctranh.ht... http://thanglong.cinet.vn/Pages/ArticleDetail.aspx... http://cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Ga-tho-moc-va-b... http://hcmufa.edu.vn/tap-chi/thong-tin-my-thuat-so... http://dsvh.gov.vn/pages/news/preview.aspx?n=637&c... http://thanglonghanoi.gov.vn/Content/tabid/92/cate... http://www.nguoiduatin.vn/muc-so-thi-kien-truc-din... http://quehuongonline.vn/VietNam/Home/Dat-nuoc-Con... http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/lua-bai-1... http://toquoc.vn/sites/vi-vn/details/33/kien-truc-...